Trong quá trình thi công các công trình xây dựng thường gặp phải những sự cố thường gặp khi sơn tường nhà không mong muốn. Hôm nay, hãy cùng G9ECO tìm hiểu nguyên nhân của các vấn đề này và làm thế nào để giải quyết nhé!
1/ Màng sơn phồng rộp hoặc sủi bọt
Màng sơn phồng rộp hoặc sủi bọt là hiện tượng sau khi lớp sơn khô thì xuất hiện túi bóng khí trong màng sơn hoặc những hạt sần sùi. Hiện tượng này có thể xảy ra ở nhiều bề mặt vật liệu khác nhau, ở cả mặt sơn trong và ngoài.
* Nguyên nhân:
– Do bề mặt tường thường xuyên ẩm ướt, không được vệ sinh kỹ càng làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sơn.
– Do thi công trên bề mặt quá ẩm hoặc nhiệt độ thấp không đạt tiêu chuẩn khuyến cáo.
– Thời gian thi công giữa các lớp sơn không đảm bảo như nhà sản xuất khuyến cáo, không tuân theo hướng dẫn sử dụng.
– Không vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ thi công, để vảy sơn sót lại bám lên bề mặt.
– Do sơn tường khi nhiệt độ quá cao khiến dung môi bay hơi nhanh nên màng sơn chưa liên kết, dẫn tới phồng rộp.
– Mua nhầm sơn có chất lượng kém, không đảm bảo yêu cầu.
* Cách khắc phục:
– Đối với các loại tường không bằng phẳng, có nhiều hạt, rỗ, vết lồi lõm,.. trước khi tiến hành sơn bạn cần làm sạch, mịn bề mặt bằng giấy nhám.
– Đối với mỗi loại sơn khác nhau, cần pha đúng tỷ lệ, đúng quy trình theo nhà sản xuất khuyến nghị.
– Đảm bảo khoảng thời gian chờ giữa các lớp sơn để đạt được chất lượng tốt nhất.
2/ Màu sắc màng sơn không đồng nhất
Đây là sự cố khi sơn tường nhà rất dễ gặp phải. Màu sắc màng sơn không đồng nhất có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như:
* Nguyên nhân
– Bề mặt tường còn nhiều bụi bẩn, không được làm phẳng mịn khiến độ hút sơn không đồng nhất.
– Sử dụng các dụng cụ thi công như con lăn, cọ, súng phun không đúng cách hoặc không phù hợp.
– Lớp sơn không được lăn đều tạo ra độ dày màng sơn không đồng đều.
– Tỷ lệ pha sơn không đồng đều, pha sơn quá loãng khiến sơn mất độ ổn định.
– Không tuân thủ thời gian chờ đủ lâu giữa các lớp sơn khiến lớp sơn sau hòa trộn không đều với lớp sơn trước.
* Cách khắc phục:
– Khuấy đều sơn: Chú ý quấy đều sơn trước và trong quá trình thi công.
– Pha sơn theo hướng dẫn: Pha đúng tỷ lệ được khuyến nghị của nhà sản xuất.
– Sử dụng sơn chất lượng cao: Đảm bảo nguồn gốc rõ ràng và bảo quản đúng cách.
– Thi công đều tay: Sử dụng dụng cụ phù hợp và đảm bảo lớp sơn được lăn đều tay.
– Chú ý điều kiện môi trường: Sơn trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm phù hợp.
3/ Hiện tượng lớp sơn bị phấn hóa
Hiện tượng phấn hóa là tình trạng lớp sơn bị lão hóa, bề mặt sơn xuất hiện một lớp bột mịn màu trắng giống như phấn. Đây là một hiện tượng phổ biến khi lớp sơn ngoài trời chịu tác động của môi trường trong một thời gian dài.
* Nguyên nhân
– Màng sơn bị lão hóa dưới tác động của tia UV, nhiệt độ và độ ẩm khiến các liên kết trong màng sơn bị phá vỡ.
– Sử dụng sơn kém chất lượng, độ kết dính không tốt, dễ chịu tác động bởi thời tiết.
– Pha sơn quá loãng hoặc sử dụng dung môi không phù hợp làm giảm độ bền của màng sơn.
– Bỏ qua lớp sơn lót hoặc sử dụng sơn lót không phù hợp khiến lớp sơn phủ không bám chắc vào bề mặt.
– Thi công trong điều kiện môi trường không thuận lợi (nhiệt độ, độ ẩm quá cao hoặc thấp).
– Tác động của nắng nóng, tia tử ngoại mạnh, độ ẩm cao hoặc hơi muối cao.
*Cách khắc phục
– Chọn loại sơn chất lượng cao, phù hợp với điều kiện và mục đích sử dụng: Sơn gốc nhựa acrylic hoặc các loại sơn có khả năng chống tia UV, chống thời tiết tốt.
– Sử dụng lớp sơn lót thích hợp: Sơn lót giúp tăng độ bám dính và giảm hiện tượng phấn hóa.
– Làm sạch bề mặt bị phấn hóa: Dùng bàn chải và dung dịch tẩy rửa làm sạch lớp phấn, sau đó dùng nước để rửa lại toàn bộ bề mặt. Nếu hiện tượng phấn hóa nghiêm trọng, gia chủ phải cạo hết lớp sơn cũ, chà nhám, làm sạch rồi mới sơn lại lớp sơn khác.
4/ Màng sơn bị nấm mốc
Hiện tượng màng sơn bị nấm mốc là vấn đề thường gặp, đặc biệt ở những khu vực có độ ẩm cao hoặc bề mặt không được xử lý đúng cách trước khi sơn. Dưới đây là nguyên nhân, hậu quả và cách xử lý triệt để.
*Nguyên nhân
– Do độ ẩm bề mặt tường hoặc môi trường cao, thiếu sáng khiến nấm mốc dễ sinh sôi nảy nở.
– Do tường bị thấm nước, có thể do ro rì đường ống hoặc mạch nước ngầm.
– Không gian kín, không thông thoáng, hệ thống thông gió kém tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
– Sử dụng sơn không có khả năng chống thấm và chống nấm mốc.
– Dùng lẫn lộn sơn nội thất cho ngoại thất.
*Cách xử lý
– Làm sạch bề mặt bị nấm mốc bằng bàn chải hoặc dung dịch tẩy rửa đặc dụng. Sau đó rửa lại bằng nước sạch và để bề mặt khô hoàn toàn.
– Sử dụng các loại sơn có khả năng chống nấm mốc, đặc biệt cho các khu vực ẩm ướt như phòng tắm, nhà bếp.
– Kiểm tra và xử lý các khu vực bị rò rỉ hoặc thấm nước từ bên ngoài; cải thiện hệ thống thông gió.
– Thi công đúng quy trình, tuân thủ độ ẩm tường theo khuyến nghị (nên kiểm tra bằng máy đo độ ẩm.
– Thi công trong điều kiện thời tiết khô ráo, tránh sơn vào những ngày độ ẩm cao.
Trên đây là một số sự cố khi sơn tường nhà thường gặp và giải pháp. G9ECO hi vọng thông qua bài viết bạn có thể tìm được phương pháp xử lý phù hợp với công trình của mình!